BỆNH LAO KHÔNG ĐÁNG SỢ

Bệnh lao hay ho lao là gì được xem là thắc mắc của nhiều người. Căn bệnh này bị gây ra bởi người bệnh nhiễm phải một loại vi khuẩn tấn công và hủy hoại mô cơ thể. Vi khuẩn này tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) và lây truyền qua không khí.
BỆNH LAO KHÔNG ĐÁNG SỢ
 
      Bệnh lao hay ho lao là gì được xem là thắc mắc của nhiều người. Căn bệnh này bị gây ra bởi người bệnh nhiễm phải một loại vi khuẩn tấn công và hủy hoại mô cơ thể. Vi khuẩn này tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) và lây truyền qua không khí.
      Nhiều bệnh nhân thường mắc nhiễm lao giai đoạn ủ bệnh, gọi là bệnh lao tiềm tàng. Sau một khoảng thời gian tùy vào sức khỏe người bệnh, có thể trong vài tuần cho tới vài năm, vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động và gây các triệu chứng bệnh. Sau đó bệnh lao xuất hiện.
      Đặc biệt nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu đi, chẳng hạn như khi bệnh HIV, ung thư hoặc hóa trị liệu, bệnh lao sẽ phát triển nhanh hơn. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi nhưng có thể lan ra (phát tán) đến xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác.
     Trước đây do không hiểu biết về bệnh Lao, nguyên nhân gây bệnh Lao, nên mọi người trong xã hội coi bệnh Lao là bệnh di truyền. Nhưng trên thực tế bệnh Lao không phải là một bệnh di truyền mà là một bệnh lây truyền.
      Nguồn lây chính của bệnh là những bệnh nhân Lao phổi có vi khuẩn Lao trong đờm. Những người bị Lao phổi ho, hắt hơi, khạc đờm, khi đó vi khuẩn Lao theo nước bọt bắn ra môi trường xung quanh, người khác hít phải sẽ bị nhiễm vi khuẩn Lao.
       Khi người bệnh có biểu hiện ho kéo dài trên 2 tuần: Ho khan, ho có đờm; ho ra máu là triệu chứng nghi lao đầu tiên. Ngoài ra, người bệnh có sốt nhẹ về chiều, ăn uống kém, cơ thể gầy sút cân, mệt mỏi, ra mồ hôi "trộm" ban đêm, đau ngực, đôi khi có khó thở.
      Bệnh Lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian. Thuốc điều trị Lao được cấp miễn phí. Trong quá trình điều trị người bệnh không nên bỏ trị vì như vậy bệnh không khỏi mà còn sinh ra vi khuẩn Lao kháng thuốc, điều trị càng khó khăn, tốn kém. 
       Do vậy, chúng ta cần phải có những biện pháp phòng chống như:
+ Ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ em đều phải tiêm phòng vắc xin BCG nhằm ngăn ngừa các bệnh Lao cấp tính ( Lao kê, Lao màng não).
+ Mọi người khi có triệu chứng nghi Lao cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X quang phổi để phát hiện bệnh Lao.
+ Khi bị bệnh Lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Người bệnh Lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị.
+ Nhà cửa cần thoáng mát, sạch sẽ. Cần phơi chăn chiếu, vật dụng của bệnh nhân Lao ra nắng mỗi ngày. Đồng thời người bệnh cần có chế  độ ăn, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe.
+ Đối với những người bị bệnh Tiểu đường, Viêm phế quản mạn tính, Suy dinh dưỡng, HIV... rất dễ bị bệnh Lao, do đó phải thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh Lao.
+ Cộng đồng cần có quan niệm đúng về bệnh Lao, không nên mặc cảm hoặc kỳ thị với bệnh nhân Lao để chương trình chống Lao ngày càng hiệu  quả, tiến tới mục tiêu vì Việt Nam không còn bệnh Lao.
                                                                                Phạm Lan (Sưu tầm)